Dịch Cân Kinh Võ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung

Bài chi tiết: Dịch cân kinh

Dịch Cân Kinh là môn võ công xuất hiện trong một số tiểu thuyết của Kim Dung như Thiên Long Bát Bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký. Ngoài ra Dịch Cân Kinh cùng với Tẩy Tủy Kinh là một trong 2 môn công pháp trấn phái của Thiếu Lâm Tự.

Dịch Cân Kinh là nội công tối thượng do Đạt Ma sư tổ phải diện bích 9 năm mới sáng tạo ra, bản thân nó là kết tinh tinh hoa võ đạo của Đạt Ma. Bí kíp Dịch Cân Kinh được viết bằng tiếng Phạn khó hiểu, nhưng khi nhúng vào nước sẽ xuất hiện những hình ảnh một nhà sư tập những động tác tương tự như thuật yoga ngày nay. Người thường không hiểu tiếng Phạn khó luyện thành, chỉ có người có cơ duyên thấy được đồ hình mới may mắn thần công đại thành. Trong Thiên Long Bát Bộ thì bí mật này ngay cả chùa Thiếu Lâm cũng không biết, và ngay cả các cao tăng chữ Huyền cũng không ai tập được. Nhưng những tiểu thuyết có bối cảnh sau thời Tống đều nói rằng Thiếu Lâm luôn có cao thủ tập được Dịch Cân Kinh, điển hình là Phương Chứng trong Tiếu ngạo giang hồ. Theo đó có thể hiểu hoặc sau đó Thiếu Lâm đã khám phá ra đồ hình, hoặc đã có cao tăng phiên dịch chữ Phạn ra chữ Hán.

Tác dụng chính của Dịch Cân Kinh chính là: dịch cân tẩy tủy, làm dịch chuyển, thay đổi gân/ cơ/ xương, dùng để chỉ dẫn cách vận khí nhằm cường thân kiện thể, hóa giải sự xung đột của nhiều loại chân khí nếu chúng cùng tồn tại một lúc trong cơ thể điều này được ghi lại trong Tiếu ngạo giang hồ. Cuối cùng quan trọng nhất là tăng lên căn cốt cùng tư chất luyện võ của một người. Trong Thiên Long Bát Bộ, Dịch Cân Kinh được xem là môn nội công rất khó luyện thành, người luyện cần phải đạt đến cảnh giới Vô Ngã Vô Tướng trong Phật môn, nếu cưỡng cầu luyện có thể dẫn đến tẩu hỏa nhập ma như trường hợp của Cưu Ma Trí. Nhưng một khi đã luyện thành thần công thì người luyện sẽ trở thành một cao thủ có nội lực thượng thừa. Trong tiểu thuyết Kim Dung, Dịch Cân Kinh và Cửu Dương Thần Công được xem là hai môi nội công đứng đầu thiên hạ, chỉ có thể ngang nhau chứ không có hơn kém.